TOP 7 GIẢI PHÁP TÁI SỬ DỤNG NƯỚC THẢI CHO NHÀ MÁY
Với nhu cầu sử dụng nước ngày càng gia tăng như hiện nay cần định hướng tìm nguồn nước thay thế. Nước thải được coi là một nguồn nước cấp khả thi, ổn định, có thể đáp ứng được nhu cầu dùng nước hiện tại và tương lai.
Vì thế, đòi hỏi các cơ quan liên quan đến môi trường cần chuyển đổi mô hình quản lý tài nguyên nước theo hướng tuần hoàn nhằm bổ sung nguồn cung cấp nước ổn định, giải quyết các vấn đề về môi trường góp phần đảm bảo việc phát triển kinh tế và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên. Trong đó cụ thể là việc tái sử dụng nước thải.
I. Tầm quan trọng của việc tái sử dụng nước
Với tốc độ tăng trưởng đô thị hóa và công nghệ hóa hiện nay thì việc tái sử dụng nước đóng vai trò rất quan trọng trong chiến lược phát triển của đất nước. Việc tái sử dụng nước mang lại nhiều lợi ích và có thể được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực.
Trong phạm vi đô thị, nước tái sử dụng có thể phục vụ cho việc rửa đường, chữa cháy và rửa xe… Trong công nghiệp, nguồn nước tái sử dụng có thể được cấp cho các thiết bị làm mát, phục vụ cho các công đoạn có sử dụng nước trong chu trình sản xuất và cấp cho sinh hoạt, tưới tiêu.
Bên cạnh đó, tái sử dụng nước còn ứng dụng cho việc phổ cập nguồn nước ngầm và có thể đem lại hiệu quả về mặt kinh tế cũng như môi trường.
Các lợi ích về mặt mặt kinh tế do tái sử dụng nước mang lại:
- Tái sử dụng nước trong sản xuất giúp tiết kiệm lượng nước sử dụng, cắt giảm chi phí sử dụng nước cấp cũng như chi phí đầu tư cho việc xây dựng hệ thống cấp nước cho quy trình sản xuất.
- Giảm lưu lượng nước thải, từ đó tiết giảm được thể tích của bể xử lý nước thải, giúp tiết kiệm chi phí đầu tư hệ thống xử lý và các chi phí liên quan (chi phí vận hành, xả thải…).
Tái sử dụng nước cũng mang lại rất nhiều lợi ích cho môi trường:
- Giảm thiểu ô nhiễm và lưu lượng nước thải đối với nguồn tiếp nhận.
- Tăng nguồn cấp nước cho các nhu cầu sản xuất.
- Đem lại lợi ích cho nông nghiệp cũng như một số ứng dụng trong đô thị (tưới tiêu, chữa cháy, tạo cảnh quan…)
- Ngoài ra, tái sử dụng nước còn góp phần cải thiện môi trường, cải thiện nguồn nước mặt và nước ngầm.
Tái sử dụng nước thải mang lại lợi ích không những cho các hoạt động kinh tế của doanh nghiệp mà còn của môi trường. Với cách này, nước được tái sử dụng được tuần hoàn. Tuy nhiên, các giải pháp tuần hoàn tái sử dụng nước, đặc biệt là trong sản xuất đòi hỏi vốn đầu tư đáng kể và thường phải ngừng sản xuất một thời gian để thực hiện, nên rất ít triển khai thực hiện.
Do đó, cần có các chính sách hợp lý khuyến khích hoặc bắt buộc sử dụng nước tái sinh cho các đối tượng sử dụng nhiều nước, thì ta có thể giải bài toán về môi trường và mang lại nguồn cấp nước ổn định.
II. Các giải pháp tái sử dụng nước thải
1. Tái sử dụng nước thải để tưới cây
Để tái sử dụng nước cho mục đích tưới cây xanh trong khuôn viên cơ sở thì chủ cơ sở có trách nhiệm xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật theo quy định tại QCVN 08-MT:2015/BTNMT, cột B1 trước khi tái sử dụng.
Khi xây dựng phương án tái sử dụng nước để tưới cây, trong đó nêu rõ yêu cầu sử dụng nước để tưới cây cụ thể trong từng thời gian, cân bằng lượng nước tưới với lượng nước thải phát sinh hằng ngày, có phương án tiêu thoát hoặc vận chuyển lượng nước thải còn dư để xả vào các nguồn nước mặt, nước biển, không được xả vào lòng đất dưới bất kỳ hình thức nào.
Phương án tái sử dụng nước phải được thẩm định và kiểm soát chặt chẽ, tránh việc lợi dụng tái sử dụng nước để đưa nước thải vào các tầng chứa nước dưới đất.
Việc tưới cây thực hiện theo thời vụ và tùy thuộc tình hình thời tiết nên không có trường hợp tái sử dụng toàn bộ nước thải trong mọi thời gian.
Vì vậy, để kiểm soát chặt chẽ hoạt động này, cần yêu cầu các cơ sở xả thải có nhu cầu tái sử dụng nước để tưới cây lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xả nước thải, trong đó phải có phương án tái sử dụng nước nêu trên để thẩm định, cấp giấy phép xả nước thải theo quy định, trong đó ghi rõ các yêu cầu cụ thể đối với hoạt động tái sử dụng nước.
2. Tái sử dụng nước thải cho nhà vệ sinh
Việc sử dụng nước thải tái sử dụng cho việc dội nhà vệ sinh giúp làm giảm nhu cầu dùng nước sạch. Tính khả thi của việc tái sử dụng nước thải cho dội nhà vệ sinh phụ thuộc chủ yếu vào khả năng thiết kế, thi công hệ thống ống cấp nước và chi phí cơ sở hạ tầng liên quan,…
3. Tái sử dụng nước thải để rửa đường
Trong trường hợp, chăm sóc và bảo trì đường bộ sử dụng một lượng lớn nước thải tái sử dụng với những yêu cầu chất lượng cụ thể như nước có mùi, có tính ăn mòn hoặc có màu không được sử dụng. Nước còn được dùng trong việc kiểm soát bụi (dập bụi), hay rửa đường phố.
4. Tái sử dụng nước thải cho sản xuất
Lưu lượng nước thải cho sản xuất chiếm khoảng 20% lượng nước ngọt toàn cầu. Dự báo nhu cầu dùng nước đến năm 2025 tăng 1.5 lần. Do đó, tái sử dụng nước thải cho sản xuất không chỉ đem lại lợi ích chung về môi trường mà còn góp phần giảm thiểu đáng kể những chi phí sản xuất, thu hồi được tài nguyên nước, đặc biệt là giảm các chi phí liên quan đến xử lý nước thải và xả thải vào nguồn tiếp nhận.
5. Tái sử dụng nước thải cho xử lý khí thải
Nước thải sau qua khi qua xử lý có thể được sử dụng vào hệ thống xử lý khí thải để tiết kiệm tối đa nguồn năng lượng cũng như chi phí. Cụ thể nước thải có thể được tái sử dụng ở buồng phun sơn màng nước, tháp hấp phụ,…
6. Tái sử dụng nước thải để giải nhiệt nhà xưởng
Phun nước làm mát mái tôn nhà xưởng là phương pháp giải nhiệt nhà xưởng sử dụng máy bơm cấp nước với áp lực cao vào hệ thống ống dẫn có gắn đầu phun trên mái. Các đầu phun được bố trí theo thiết kế phù hợp sẽ phun nước trên mái với áp lực mạnh và tỏa đều ra toàn bộ mái. Do đó để tiết kiệm chi phí và năng lượng, có thể thay thế nước cấp bằng nước thải đã tái xử lý để sử dụng.
7. Tái sử dụng nước thải cho phòng cháy chữa cháy
Tái sử dụng nước thải với mục đích chữa cháy cũng là một cách tiết kiệm cho ngân sách, vừa tận dụng nguồn nước. Giúp tiết kiệm nguồn nước, vì trong công tác phòng cháy chữa cháy phải cần một lượng nước rất lớn, do đó nếu tận dụng được nguồn nước tái sử dụng để chữa cháy sẽ tiết kiệm tốt đa ngân sách.